Tiểu vương cung thánh đường La Vang là một địa chỉ hành hương nổi tiếng của người theo đạo Thiên chúa, gắn với câu chuyện Đức Mẹ hiện hình tại đây vào năm 1798 để an ủi, nâng đỡ đức tin cho những giáo dân bị xô dạt trong hoàn cảnh rất khó khăn, khổ cực.
Tên gọi La Vang, theo một số nhà nghiên cứu, có gốc có từ chữ Lá Vằng, loại cây mọc nhiều ở đây khi người dân đến khai khẩn làm ăn. Phường Lá Vằng thuộc làng Cổ Vưu có từ thời Lê. Họ đạo ở đây có từ thế kỷ 17. Khi dân cư đông đúc, sản xuất phát triển, tên gọi đổi thành La Vang.
Nhà thờ La Vang lúc đầu được xây là nhà thờ ngói, khánh thành vào năm 1901, bên trong thiết kế theo kiểu kiến trúc cổ Việt Nam có sức chứa vài trăm người; mặt tiền thì theo kiến trúc phương Tây, phía trước có hai tháp hai bên.
Nhà thờ được mở rộng quy mô vào năm 1928, với hai tầng mái và hai cánh thánh giá. Tháp chuông hình vuông hai tầng.
Vào các 1955, 1961 và sau đó, nhà thờ tiếp tục được nâng cấp, có thêm các công trình mới như quảng trường, hồ tịnh tâm, nhà tu viện, 15 pho tượng thánh bằng đá, các ban thờ, nhà cho khách đến viếng và một số hạng mục khác.
Năm 1961, nhà thờ La Vang được chính thức công nhận là Tiểu vương cung thánh đường theo một sắc chỉ của tòa thánh La Mã.
Năm 1972, trong chiến dịch Quảng Trị, nằm ở vùng giao tranh ác liệt kéo dài, vương cung thánh đường La Vang bị phá hủy, chỉ còn lại tháp chuông mang dấu vết đạn bom như chứng tích của một thời.Sau chiến tranh, vào các thời điểm khác nhau, một số công trình ở La Vang được xây dựng lại như tháp chuông, nhà nguyện, nhà hành hương…
Năm 2008, được chính quyền tỉnh Quảng Trị cấp đất và tạo điều kiện, Hội đồng giám mục Việt Nam đã quyết định xây dựng lại nhà thờ La Vang; tổ chức cuộc thi kiến trúc để tìm phương án thiết kế tốt nhất.
Năm 2011 đã diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương cung thánh đường mới. Công trình được xây dựng trên một mặt bằng có diện tích trên 13 ngàn mét vuông. Chiều dài công trình 132m, ngang 102m, có sức chứa 5.000 người.
Vương cung thánh đường có phong cách kiến trúc Việt mang hình dáng ngôi đình Việt. Nhiều công trình khác cũng đã được xây dựng cùng với khu nhà chính tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa.
Lễ hành hương ở Vương cung thánh đường La Vang hàng năm thu hút hàng trăm ngàn người về dự. Đây còn là một địa chỉ hấp dẫn khách du lịch gần xa.
Trần Mai Hưởng, baotintuc.vn