HACCP là từ viết tắt của Hazard Analysis and Critical Control Point trong tiếng Anh và có nghĩa là “hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn “, hay ” hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm”.
HACCP là hệ thống quản lý chất lượng dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu. Đó là công cụ phân tích nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh và chất lượng thực phẩm. HACCP bao gồm những đánh giá có hệ thống đối với tất cả các bước có liên quan trong quy trình chế biến thực phẩm, đồng thời xác định những bước trọng yếu đối với an toàn chất lượng thực phẩm.
Vì sao nên áp dụng HACCP?
- Theo nghị định 163/2004/NĐCP tất cả các thực phẩm có nguy cơ cao bắt buộc phải áp dụng HACCP.
- Yêu cầu của các nước nhập khẩu và các tổ chức quốc tế.
- Hiệu quả về mặt kinh tế.
- Kiểm soát tốt các mối nguy mang tính hữu cơ gắn liền với thực phẩm.
- Rất hiệu quả khi kiểm soát mối nguy ngoài an toàn thực phẩm.
- Có thể áp dụng cho mọi nhu cầu kiểm soát chất lượng.
- Giúp nhà sản xuất phản ứng kịp thời hơn với các vấn đề trong sản xuất liên quan đến an toàn thực phẩm .
- Tăng cường niềm tin của người tiêu dùng.
- Là công cụ tối ưu kiểm soát an toàn thực phẩm, tiết kiệm chi phí cho xã
hội - Chi phí thấp, hiệu quả cao (bởi chi phí phòng ngừa bao giờ cũng thấp hơn chi phí sửa chữa).
- HACCP góp phần bảo đảm an toàn & cải thiện chất lượng thực phẩm.
Lợi ích của việc áp dụng HACCP
- Đem lại lòng tin cho khách hàng.
- Tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
- Giảm chi phí sản phẩm sai hỏng.
- Tăng lợi nhuận.
- Môi trường làm việc tốt hơn.
Các nguyên tắc cơ bản của HACCP
Hầu hết các hoạt động của con người: họat động chính trị, họat động khoa học, thể thao, trong gia đình và đời sống xã hội đều cần có các nguyên tắc để dựa vào đó mà hành động. HACCP cũng vậy. HACCP cũng phải dựa trên các nguyên tắc của mình, và các nguyên tắc đó là:
Nguyên tắc 1: phân tích mối nguy là xác định được mối nguy đáng kể (cần phải được kiểm soát) và xác định biện pháp phòng ngừa thích hợp đối với mối nguy đáng kể đối với ATTP để ngăn chặn, loại bỏ hoặc giảm thiểu đến mức chấp nhận được.
Nguyên tắc 2: Xác định điểm kiểm soát tới hạn (CCP – Critical Control Point) mà tại đó các biện pháp kiểm soát được thực hiện để ngăn ngừa, loại trừ hoặc giảm thiểu tới mức chấp nhận được mối nguy đối với an toàn thực phẩm.
Nguyên tắc 3: Thiết lập Giới hạn tới hạn (CL) Thiết lập mức giá trị của các chỉ tiêu hoặc tiêu chí được xác định cho từng biện pháp tại mỗi điểm kiểm soát tới hạn để kiểm soát được mối nguy đó.
Nguyên tắc 4: Thiết lập các thủ tục giám sát: thiết lập các hoạt động quan sát, đo lường theo trình tự đã xác định để đánh giá các CCP có nằm trong tầm kiểm soát không?
Nguyên tắc 5: Đề ra hành động sửa chữa: dự kiến các hành động phải được thực hiện khi giới hạn tới hạn bị vi phạm nhằm khắc phục hậu quả và ngăn ngừa sự tái diễn của vi phạm đó. Chú ý: hành động sửa chữa cần được dự kiến hay thiết kế trước.
Nguyên tắc 6: Thiết lập thủ tục thẩm tra nhằm xác định xem đối tượng được thẩm tra (kế hoạch HACCP, CCP, GMP, SSOP…) có được thực thi phù hợp không. Từ đó tạo lòng tin rằng kế hoạch HACCP có cơ sở khoa học, phù hợp để kiểm soát mối nguy và đang được thực thi.
Nguyên tắc 7: Thiết lập thủ tục lưu trữ hồ sơ: Thiết lập hoạt động tư liệu hoá mọi hoạt động được thực hiện trong kế hoạch HACCP nhằm đảm bảo rằng quá trình này được kiểm soát. Lưu trữ hồ sơ là một hoạt động rất quan trọng: không có hồ sơ? không có HACCP
Nguồn bài sưu tầm internet