Di sản thế giới là một điểm mốc hay khu vực được lựa chọn bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (viết tắt là UNESCO) là có giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học hoặc hình thức có ý nghĩa khác và được pháp luật bảo vệ bởi các điều ước quốc tế. Các địa điểm này được đánh giá là có tầm quan trọng đối với lợi ích tập thể nhân loại. cùng xem 8 điểm du lịch viêt nam được công nhận 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

#1 Quần thể di tích Cố đô Huế

Hội nghị lần thứ 17 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Cartagena (Colombia) ngày 11 tháng 12 năm 1993 đã công nhận Khu Di tích cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới với tiêu chí (iii): Huế thể hiện là một bằng chứng nổi bật của quyền lực phong kiến Việt Nam đã mất mà đỉnh cao của nó vào đầu thế kỷ XIX, và tiêu chuẩn (iv): Quần thể di tích Huế là một ví dụ nổi bật của một kinh đô phong kiến phương Đông.

Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc…
Nằm giữa lòng Huế, bên bờ Bắc của sông Hương chảy xuyên qua từ Tây sang Đông, hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền Nguyễn vẫn đang sừng sững trước bao biến động của thời gian. Đó là Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, ba vòng thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc.
Hoàng thành giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông mỗi chiều xấp xỉ 600m với 4 cổng ra vào mà độc đáo nhất thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô: Ngọ Môn, chính là khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn. Bên trong Hoàng thành, hơi dịch về phía sau, là Tử cấm thành – nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng gia.
Xuyên suốt cả ba tòa thành, con đường Thần đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình những công trình kiến trúc quan yếu nhất của Kinh thành Huế: Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung… Hai bên đường Thần đạo này là hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối đều đặn, đan xen cây cỏ, chập chờn khi ẩn khi hiện giữa những sắc màu thiên nhiên, luôn tạo cho con người một cảm giác nhẹ nhàng thanh thản.
Về phía Tây của Kinh thành, nằm hai bên bờ sông Hương, lăng tẩm của các vua Nguyễn được xem là những thành tựu của nền kiến trúc cổ Việt Nam.
Bên cạnh thành quách cung điện lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ trong lòng nhiều công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với chế độ quân chủ nhà Nguyễn, cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hòa trong bố cục.
Gần một thế kỷ rưỡi là Kinh đô của một triều đại phong kiến với thiết chế chính trị dựa trên nền tảng Nho giáo, lại từng là thủ phủ của Phật giáo một thời, bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy vàng son, Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính, an lạc giữa những núi rừng hoang vu u tịch.
Ngày nay, Huế trở thành một thành phố Festival tổ chức hai năm một lần. Huế là một di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới. Ngày 7 tháng 11 năm 2003, Âm nhạc cung đình Huế: Nhã nhạc (triều Nguyễn) đã được UNESCO ghi tên vào danh mục Các Kiệt tác Di sản phi vật thể của nhân loại.

#2 Vịnh Hạ Long

Hội nghị lần thứ 18 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Phù – kẹt (Thái Lan) ngày 17 tháng 12 năm 1994 đã công nhận lần thứ nhất Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí (vii): về vẻ đẹp cảnh quan, và công nhận lần thứ hai với tiêu chí (viii): về giá trị địa chất tại Hội nghị lần thứ 24 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại thành phố Cairns, bang Queensland, Australia (ngày 02 tháng 12 năm 2000).

Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, nằm ở phía Đông Bắc nước ta, diện tích khoảng 1.553km2 với 1.969 hòn đảo lô nhô tạo nên những cảnh sắc kỳ thú. Sự hiện diện của Vịnh và những hòn đảo trên Vịnh là những minh chứng độc đáo về lịch sử phát triển của trái đất, bao gồm đặc điểm địa chất và quá trình vận động, phát triển liên tục của dạng địa hình Karst hệ Fengcong và Fengling. Địa hình đặc biệt của Vịnh Hạ Long có liên quan chặt chẽ tới lịch sử khí hậu và quá trình vận động kiến tạo của trái đất. Những hòn đảo ở đây là mẫu hình khá lý tưởng về Karst hình thành trong điều kiện nhiệt đới, ẩm. Toàn bộ khu vực Vịnh Hạ Long là một cảnh quan Karst qua nhiều triệu năm, với các tháp karst hình chóp, hình tháp, bị bào mòn, tạo nên cảnh đẹp nổi bật, độc đáo toàn thế giới.
Bên cạnh giá trị địa chất và giá trị thẩm mỹ độc đáo toàn cầu, trong khu vực Vịnh Hạ Long hiện nay còn lưu giữ được nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới như: đồi núi, hang động, rừng ngập mặn, tùng áng, rạn san hô, cỏ biển … Các hệ sinh thái đó được phân bố trong một khu vực có khí hậu tương đối ôn hòa, nhiệt độ nước biển trung bình từ 19 – 25 độ C, là môi trường sống rất thuận lợi đối với các loài sinh vật. Kết quả nghiên cứu những năm qua cho thấy trong vùng Vịnh Hạ Long có mặt trên 300 loài cá, 545 loài động vật đáy biển, 154 loại san hô, 35 loài sinh vật phù du, 139 loài rong biển, 5 loài cỏ biển và 31 loài thực vật vùng ngập mặn … Các hệ sinh thái đó đã tạo nên giá trị đa dạng sinh học tương đối nổi bật của Vịnh Hạ Long.
Thật hiếm có một thắng tích nào lại hội tụ nhiều yếu tố giá trị đặc biệt hấp dẫn cả về cảnh quan tự nhiên, địa chất, đa dạng sinh học lẫn những giá trị lịch sử văn hoá sâu sắc như di sản Vịnh Hạ Long. Có thể nói, những giá trị lịch sử, văn hoá đang hiện hữu trên cả một vùng biển đảo rộng lớn này đã góp phần làm cho Hạ Long vốn đã tuyệt vời về cảnh sắc lại càng thêm hấp dẫn, đắm say lòng người.

#3 Khu di tích Chăm Mỹ Sơn

Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Marrakesh (Morocco) ngày 01 tháng 12 năm 1999 đã công nhận Khu Di tích Chăm Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới với tiêu chí (ii): Là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập vào văn hóa bản địa. Những ảnh hưởng văn hóa bên ngoài, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ giáo từ tiểu lục địa Ấn Độ, và tiêu chí (iii): Phản ảnh sinh động tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa Chămpa trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á.

Khu di tích Chăm Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng hẹp có đường kính khoảng 2km, thuộc làng Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 70km về hướng Tây – Tây Nam, cách Trà Kiệu- kinh thành cũ của vương quốc Chămpa xưa 20km về phía Tây.
Đền tháp ở Mỹ Sơn tiêu biểu cho kiến trúc tôn giáo Chămpa. Với lịch sử xây dựng và phát triển liên tục suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13), các đền tháp nơi đây có nhiều kiểu thức kiến trúc phong phú, song nhìn chung các đền tháp có tư thế vút lên cao biểu trưng cho sự vĩ đại và thanh khiết của ngọn núi Mêru (Ấn Độ).
Hầu hết các đền tháp và các công trình phụ đều được xây bằng gạch với một kỹ thuật tinh tế. Các mô típ trang trí hoa văn trên các trụ đá cùng với những tượng tròn và phù điêu sa thạch được chạm khắc dựa theo các thần thoại Ấn Độ giáo … Sự kết hợp hài hòa với những mô típ chạm trổ tinh xảo trên các mảng tường gạch ngoài tháp đã tạo cho quần thể đền tháp Mỹ Sơn vẻ đẹp mỹ miều sinh động mang những nét đặc trưng nhất của các phong cách nghệ thuật Chămpa.
Là một quốc gia chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ, Shiva là vị thần được tôn thờ tại vương quốc Chămpa. Đền thờ tại Mỹ Sơn được các vương triều Chămpa xây dựng để thờ chính vị thần vua của mình. Sự kết hợp giữa vương và thần được thể hiện qua tượng Linga. Từ những buổi ban đầu sơ khai, gần như người nghệ sĩ Chăm học cách trang trí mỹ thuật và thực hiện nó theo người Ấn Độ (Mỹ Sơn E1). Nhưng rồi dần về sau, tính bản địa đã được thể hiện. Theo thời gian, qua giao tiếp với các nền văn minh khác và sự tiếp nhận chọn lọc của người nghệ sĩ Chămpa; đền tháp tại Mỹ Sơn mang những đường nét kiến trúc theo các thời kỳ khác nhau thể hiện các luồng văn hóa mà họ tiếp nhận. Là khu đền thờ chính của vương quốc trong suốt chín thể kỷ, nên các đền tháp của Mỹ Sơn cũng thể hiện tính thăng trầm của các thời kỳ, những thay đổi trong lịch sử của các vương triều, những chuyển biến trong đời sống văn hóa.
Tuy chỉ là những công trình xây dựng có kích thước vừa và nhỏ, nhưng kiến trúc của Mỹ Sơn đã chắt lọc được những tinh hoa của người nghệ sĩ, sự kết hợp giữa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí người Chămpa xưa đã tạo cho các đền tháp một vẻ uy nghiêm và kỳ bí.

#4 Đô thị cổ Hội An

Trong hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An trong các ngày 22, 23-3-1990, đã có 38 tham luận (trong đó có 12 tham luận của các nhà khoa học nước ngoài) đã đề cập đến nhiều vấn đề của Hội An trong lịch sử và hiện trạng. Các báo cáo cũng gợi mở nhiều vấn đề để tranh luận, đặt ra những hướng tìm tòi mới có ý nghĩa.

Đặc biệt, trong hội thảo quốc tế này, một số báo cáo đã đặt ra vấn đề nghiên cứu sâu hơn thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa. Nơi đây còn ẩn tàng dấu vết một thương cảng cổ của vương quốc Chămpa, một “Lâm Ấp Phố” bên cửa sông lớn Thu Bồn. Và, Hội An một mặt kế thừa những thành quả khai phá của Chiêm cảng xưa, mặt khác được trực tiếp chuẩn bị từ thế XV, khi người Việt đến tụ cư tại đây và tạo thành một cửa ngõ giao thương của Đàng Trong Việt Nam với thế giới bên ngoài. Hội An còn là một trung tâm giao lưu văn hóa Đông – Tây, là cái nôi hình thành chữ quốc ngữ, và trung tâm truyền bá đạo Thiên Chúa, đạo Phật ở Đàng Trong.

Vẫn còn khá nguyên vẹn những di tích bến cảng, các phố cổ, các nhà liên kế, nhà thờ tộc họ, đình chùa, đền miếu, hội quán của người Hoa, lăng mộ của người Nhật, người Hoa, và độc đáo nhất cây cầu mang tên Cầu Nhật Bản. Những loại hình kiến trúc đa dạng cùng các phong tục tập quán, lễ hội đã phản ánh một chặng đường phát triển, hội nhập và giao thoa để tạo nên một sắc thái văn hóa riêng của Hội An, kết hợp hài hòa giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh.

Ngày 4-12-1999, tổ chức UNESCO đã ra quyết định công nhận phố cổ Hội An là Di tích Văn hóa thế giới. Như vậy là trên đất Quảng Nam, có hai Di tích Văn hóa thế giới là: Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn.

#5 Phong Nha – Kẻ Bàng

Hội nghị lần thứ 27 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Paris (Pháp) ngày 03 tháng 7 năm 2003 đã công nhận Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí (viii) về địa chất, là một tập hợp bằng chứng ấn tượng về lịch sử trái đất.

Vùng Phong Nha – Kẻ Bàng và phụ cận bao gồm lãnh thổ một phần các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa và Quảng Ninh, trải rộng từ biển tới biên giới Việt – Lào. Diện tích vùng Di sản là 85.754 ha.
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có hai kiểu địa hình chính, kiểu địa hình karst và kiểu địa hình phi karst. Phần lớn diện tích vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là núi đá vôi ( địa hình karst, chiếm 2/3 diện tích ) và được liên kết với vùng núi đá vôi thuộc Khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Hin nậm nô của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào tạo thành vùng đá vôi liên tục lớn nhất Đông Nam Á. Với địa hình karst chia cắt mãnh liệt và thảm thực vật nhiệt đới thường xanh trên núi đá vôi đã tạo cho Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng sự đa dạng về sinh học và độc đáo về địa chất địa mạo.
Về địa chất, Khu hệ núi đá vôi của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có tuổi địa chất trên 400 triệu năm, được hình thành từ kỷ Devon và trải qua 4 chu kỳ kiến tạo: Devon, Devon muộn – Carbon sớm, Carbon – Permi và Mesozoi. Quá trình kiến tạo địa chất đã tạo nên hệ thống hang động và các suối ngầm rất đặc trưng với trên 300 hang động lớn nhỏ, trong đó 17 hang động đã được khảo sát và 2 hang động đã đưa vào khai thác phục vụ du lịch là hang Tiên Sơn và hang Phong Nha.
Về Đa dạng sinh học:
Về thực vật: Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có 8 kiểu thảm thực vật chính đó là:
– Rừng thường xanh nhiệt đới ẩm mưa mùa
– Rừng thứ sinh sau khai thác trên núi đá
– Quần lạc cây bụi, cây gỗ rải rác trên núi đá
– Rừng thường xanh chủ yếu cây lá rộng
– Rừng thứ sinh sau khai thác
– Quần lạc cây bụi, cây gỗ rải rác
– Rừng hành lang ngập nước định kỳ
– Rừng lá kim trên núi đá vôi
Các cuộc điều tra khảo sát ban đầu đã ghi nhận được khoảng 2.500 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 208 loài lan và nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới.
Về động vật: Khu Động Phong Nha bao gồm những sinh cảnh cực kỳ quan trọng cho các loài linh trưởng có nguy cơ bị tiêu diệt và những loài thú lớn đã được liệt kê trong sách đỏ của IUCN 1996.Sơ bộ đã ghi nhận được 1074 loài động vật có xương sống bao gồm:
– Lớp thú: 140 loài thuộc 64 giống 31họ, 10 bộ
– Lớp chim: 356 loài thuộc 137 giống, 52 họ, 18 bộ
– Lớp cá: 162 loài thuộc 85 giống, 31 họ, 11 bộ
– Lớp bò sát: 99 loài thuộc 43 giống, 14 họ, 3 bộ
– Lớp ếch nhái: 47 loài thuộc 9 giống, 6 họ, 1 bộ
Ngoài ra, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cũng đang chứa đựng nhiều Di tích lịch sử và văn hóa quan trọng như đường mòn Hồ Chí Minh với bến Phà Xuân Sơn, Phà Nguyễn Văn Trỗi, đường thông tin, đường 20 Quyết thắng với Hang Tám cô, cua chữ A và nhiều danh lam thắng cảnh đẹp mắt như hồ Bồng Lai, Suối nước Mọc, thung lũng Sinh tồn, thác gió, U bò, giếng Voọc…và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số như lễ hội đập trống của người Măng coong ở Thượng Trạch; lễ hội “ Xin nước Tiên” của nhân dân lưu vực Sông Son và hát Tuồng của cư dân làng Khương Hà xã Hưng Trạch…
Đặc biệt, trong hệ thống các giá trị của khu vực Karst này, hệ thống động Phong Nha đã được Hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với 4 điểm nhất: Có các sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có những bờ cát rộng và đẹp nhất, có những thạch nhũ đẹp nhất.

#6 Hoàng thành Thăng Long

hoang-thanh-thang-long
hoang-thanh-thang-long

Kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Braxin ngày 31/7/2010 đã công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới với tiêu chí (ii): minh chứng cho sự giao lưu giữa các ảnh hưởng đến chủ yếu từ Trung Quốc ở phía Bắc và Vương quốc Champa ở phía Nam, tiêu chí (iii): minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu dài của người dân Việt được thành lập ở đồng bằng sông Hồng, đó là một trung tâm quyền lực liên tục từ TK 7 cho đến tận ngày nay, và tiêu chí (vi): liên quan trực tiếp tới nhiều sự kiện văn hóa – lịch sử quan trọng.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, với diện tích vùng lõi của di sản là 18,395ha (bao gồm Khu di tích thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) và diện tích vùng đệm là 108ha. Hai khu vực thuộc vùng lõi di sản là một hệ thống nhất nằm trong Cấm thành Thăng Long và cũng chính là trung tâm của Hoàng thành Thăng Long. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là bộ phận quan trọng nhất của Kinh thành Thăng Long – Kinh đô của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18.

Thăng Long – Hà Nội là nơi giao thoa các giá trị văn hóa của Đông Á với Đông Nam Á trong một quá trình lịch sử rất lâu dài. Sự giao thoa đó được thể hiện qua rất nhiều hiện vật lịch sử, công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị mang bề dày 1000 năm. Tổng quan mô hình đô thị, kiểu dáng kiến trúc và nghệ thuật của Thăng Long – Hà Nội mang giá trị độc đáo và tiêu biểu cho sự phát triển liên tục của một trung tâm quyền lực chính trị kiểu Châu Á. Rất nhiều sự kiện mang tầm vóc quốc tế, bao gồm sự phát triển của các nhà nước độc lập, các hình mẫu nhà nước kiểu Châu Á, ảnh hưởng của văn hóa phương Đông, phương Tây, của chủ nghĩa thực dân và các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc sau Chiến tranh thế giới thứ II đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm và còn có thể nhìn thấy được trong không gian chung của khu di sản.
Nhiều nét văn hóa và mỹ thuật độc đáo được hình thành tại Thăng Long và chính những giá trị đó đã làm cho khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long nổi lên như một trong những di sản văn hóa lớn nhất của dân tộc Việt Nam và mang tầm vóc quốc tế. Nhiều dấu tích nền móng cung điện, lầu gác và nhiều loại hình di vật độc đáo của Hoàng cung qua các thời kỳ lịch sử được các nhà khảo cổ học tìm thấy dưới lòng đất thuộc khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã phản ánh sinh động về lịch sử phát triển lâu dài của Kinh đô Thăng Long.
Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, biến dạng, nhưng đến nay vẫn còn thấy được cả di tích trên mặt đất, dưới lòng đất, di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật,… tạo thành hệ thống các di tích được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích đô thị cổ, trung, cận, hiện đại của nước ta.
Khu di tích thành cổ Hà Nội: có diện tích rộng 13,865ha, hiện tại, trong khu vực trung tâm còn lại 5 điểm di tích nổi trên mặt đất phân bố theo trục Bắc – Nam, còn gọi là “Trục chính tâm”, “Trục ngự đạo”, gồm có: Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn. Ngoài ra còn có hệ thống tường bao và kiến trúc cổng hành cung thời Nguyễn, di tích nhà và hầm D67, các công trình kiến trúc Pháp…
– Kỳ đài: được xây dựng năm 1805 cùng thời gian nhà Nguyễn xây dựng toà thành kiểu Vauban, được xây trên nền cũ của Tam Môn, cổng phía ngoài của Cấm thành thời Lê. Kỳ Đài là một trong một những kiến trúc còn sót lại nguyên vẹn từ thời Nguyễn.
– Nền điện Kính Thiên: xây dựng thời Lê sơ (1428) trên nền điện Càn Nguyên (sau đổi tên là điện Thiên An) thời Lý, Trần. Địa điểm này vốn là vị trí của núi Nùng (Long Đỗ – Rốn Rồng), được coi là tâm điểm của Cấm thành và Hoàng thành, nơi chung đúc khí thiêng của non sông đất nước theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền, mà di tích hiện còn là nền điện với bậc thềm và lan can đá chạm rồng thế kỷ 15.
– Đoan Môn: cổng phía Nam, là lối đi chính để vào bên trong Cấm thành, nơi có điện Kính Thiên và các cung điện khác của vua. Từ thời Lý đã xây cổng ở đây, nhưng cổng Đoan Môn hiện còn là do nhà Lê sơ xây dựng (thế kỷ 15) và được sửa sang, tu bổ dưới thời Nguyễn (thế kỷ 19).
Giữa Đoan Môn và điện Kính Thiên là khu Long Trì – một không gian mang ý nghĩa chính trị, văn hoá tâm linh rất quan trọng của Cấm thành, là nơi cử hành các nghi lễ chính trị và tôn giáo thiêng liêng, như sự kiện mở hội Nhân Vương, mở hội đèn Quảng Chiếu (năm 1136), duyệt Cấm quân (năm 1351), quốc nhân hội thề (năm 1128)…
– Bắc môn: là cổng thành phía Bắc, một trong 5 cổng thành duy nhất còn lại của Thành Hà Nội thời Nguyễn, xây dựng năm 1805. Bắc Môn được xây bằng gạch với cổng vòm bằng đá. Năm 1999, các nhà khảo cổ đã phát hiện các phần còn lại của một bức tường xây bằng đá và gạch vồ, nền móng dày 1,2m và dấu tích của một kiến trúc khác thời Lê tại độ sâu từ 1,66m đến 2,20m.
– Hậu lâu: còn gọi là Tĩnh Bắc Lâu, Lầu Công chúa, Pagode des Dames, hay tòa Hậu Điện. Công trình này được xây dựng vào thời Nguyễn (1821), là nơi nghỉ ngơi của các cung tần mỹ nữ trong đoàn tùy tùng của nhà vua khi tuần du từ Huế ra Bắc thành. Công trình này đã bị phá huỷ vào khoảng cuối thế kỷ 19. Phần kiến trúc hiện còn là công trình do người Pháp xây dựng lại.
Khu di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu: nằm ở phía Tây điện Kính Thiên và là một phần cấu thành của Cấm Thành từ thời Lý cho đến cuối thời Lê Trung Hưng. Cấm thành là trung tâm đầu não của các vương triều, nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng bậc nhất của đất nước, trung tâm làm việc và nơi ở của Vua và Hoàng gia qua các triều đại Lý – Trần – Lê.
Khu di tích này rộng 4,530 ha, được khai quật từ tháng 12/2002, phân định làm 4 khu, đặt tên là A, B, C, D. Tại đây đã phát hiện rất nhiều dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc gỗ có quy mô bề thế và nhiều loại hình di vật có giá trị, bao gồm vật liệu trang trí kiến trúc, đồ gốm sứ, đồ kim loại, đồ gỗ, di cốt động vật… có niên đại từ thế kỷ 7 – 9 đến thế kỷ 19, với hàng trăm kiểu mẫu khác nhau.
Tại di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu đã tìm thấy những dấu tích cung điện quan trọng. Trải qua 10 thế kỷ với nhiều cuộc chiến tranh, nhiều biến thiên lịch sử và trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng các dấu tích kiến trúc, các loại hình di vật của cung điện xưa vẫn còn được bảo tồn tương đối tốt trong lòng đất. Trong khu di tích còn tìm thấy nhiều đồ dùng, vật dụng của nước ngoài, như các loại đồ sứ của Tây Á, Trung Quốc, Nhật Bản,… phản ánh quan hệ giao lưu văn hoá giữa Thăng Long với thế giới.
Đây là lần đầu tiên ở Hà Nội cũng như lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam tìm thấy những dấu tích nền móng một quần thể kiến trúc cao cấp, đặc biệt đó là dấu tích kiến trúc của Kinh đô Thăng Long.
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được ghi vào Danh mục Di sản Thế giới là một sự kiện có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với Việt Nam, thể hiện những bước đi vững chắc của chúng ta trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị đối với di tích đặc biệt quan trọng này.

#7 Thành nhà Hồ

Ngày 27 tháng 6 năm 2011, tại Kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới ở Paris, Cộng hòa Pháp, Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức quyết định đưa Di tích Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước UNESCO 1972 về việc Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới, đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp này có đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Thanh Hóa cùng một số tỉnh/thành phố có Di sản Thế giới ở Việt Nam.
Là kinh đô của nhà Hồ, Thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long – Hà Nội). Sau khi xây thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô. 4 bên mặt thành được bao quanh bằng tường đá với tổng khối lượng đá xây thành khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp.
Ngay từ đợt công nhận đầu tiên các di tích có giá trị cao, đặc biệt quan trọng của đất nước vào năm 1962, Di tích Thành Nhà Hồ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Kể từ đó tới nay, đã có thêm 02 di tích nữa thuộc khu vực này được công nhận cấp quốc gia, là: Đàn Nam Giao và La Thành.
Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ bao gồm 3 di tích nói trên cùng với di tích hào thành, các di tích khảo cổ dưới lòng đất, các làng cổ, các di tích chùa đền, hang động, toàn bộ cảnh quan núi non, sông nước liên quan tới Thành Nhà Hồ.
Để trở thành Di sản văn hóa Thế giới, Thành Nhà Hồ được đánh giá có giá trị nổi bật toàn cầu trên 3 cột trụ chính là:
1- Về Tiêu chí giá trị nổi bật toàn cầu:
Thành Nhà Hồ đạt 2 tiêu chí sau:
Tiêu chí ii: Khu di sản Thành Nhà Hồ là biểu hiện rõ rệt những sự giao thoa trao đổi quan trọng các giá trị nhân văn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á vào cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV. Nơi mở đầu cho việc tiếp thu các tư tưởng tích cực của Nho Giáo thực hành (Trung Quốc) nở rộ từ thời Lê Sơ kéo dài đến đầu thế kỷ XX. Những tư tưởng ấy kết hợp với các đặc điểm của văn hóa Việt Nam và khu vực được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam nhằm đưa đất nước đạt tới các thành tựu mới văn minh hơn, tích cực hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, đáp ứng các yêu cầu đổi mới cấp bách của Việt Nam. Tất cả được thể hiện nổi trội và duy nhất ở Thành Nhà Hồ trên các phương diện thiết kế cảnh quan đô thị, kiến trúc thành đá, kỹ thuật xây dựng đá lớn và các ảnh hưởng tác động lẫn nhau nhiều chiều của khu di sản tới kỹ thuật xây dựng thành quách sau đó ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Tiêu chí iv: Khu di sản vừa là ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc Hoàng thành biểu tượng cho quyền lực Hoàng gia tiêu biểu ở phương Đông, vừa là một pháo đài quân sự bề thế, chắc chắn, uy nghiêm. Thành Nhà Hồ là biểu hiện tiêu biểu của sự kết hợp hài hòa giữa các công trình xây dựng và cảnh quan thiên nhiên, tiêu biểu cho sự vận dụng quan niệm xây dựng theo phong thủy và cảnh quan văn hóa tại khu vực di sản. Kỹ thuật xây dựng đá lớn độc đáo, duy nhất của Việt Nam được thấy ở đây, đã được kết hợp một cách sáng tạo, tài tình với truyền thống kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng ở Việt Nam, Đông Á và Đông Nam Á, với một hệ thống thao tác kỹ thuật thủ công liên hoàn như khai thác đá, gia công đá, vận chuyển các khối đá nặng từ 10 tấn đến 26 tấn, xử lý móng nền đá, nâng các khối đá lớn lên độ cao trên 10m, vừa đảm bảo được công năng kiến trúc vừa đáp ứng yêu cầu mỹ thuật cần thiết của một đô thành. Kỹ thuật xây dựng thành công các bức tường thành bằng đá lớn đã phát huy ảnh hưởng của nó tới kỹ thuật xây dựng nhiều tòa thành sau đó ở khu vực, nhưng kỳ vĩ nhất, đặc sắc nhất chỉ có Thành Nhà Hồ vốn được xem như một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng kiến trúc thành quách Việt Nam và khu vực.
2- Về tính toàn vẹn và tính xác thực:
Khu di sản đã đáp ứng những yêu cầu cơ bản về tính toàn vẹn, tính xác thực được nêu trong Hướng dẫn thực hiện Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới.
3- Về công tác quản lý:
Ngày 21/9/2010, ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 3341/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ với chức năng quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ. Trước đó, ngày 08/02/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận. Những văn bản này cùng với Luật di sản văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành là cơ sở quan trọng để bảo vệ, quản lý tốt di tích Thành Nhà Hồ.
Tuy nhiên, để bảo tồn bền vững Di sản Thành Nhà Hồ, chúng ta còn phải tích cực hơn nữa nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp trong công tác quản lý, bảo vệ, gìn giữ sự toàn vẹn và tính xác thực của Di sản theo quy định của Công ước UNESCO 1972.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Thành Nhà Hồ đã được Chính phủ cho phép chuẩn bị hồ sơ kể từ tháng 01 năm 2006. Từ đó tới nay, với sự quyết tâm của các cấp chính quyền cùng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các Bộ, ngành và các nhà khoa học của Việt Nam, Thành Nhà Hồ đã chính thức được vinh danh trên toàn thế giới, thể hiện những bước đi vững chắc của chúng ta trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị đối với di tích đặc biệt quan trọng này.

#8 Quần thể danh thắng Tràng An

Ngày 23 tháng 6 năm 2014, tại Kỳ họp lần thứ 38 của Ủy ban Di sản Thế giới ở thủ đô Doha, Ca-ta, Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức Quyết định đưa Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Nằm ở cực Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 90 km về phía Đông Nam, Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.172 ha, vùng đệm có diện tích 6.079 ha, với ba khu vực liền kề nhau là: Di tích quốc gia đặc biệt Cố Đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, thuộc địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình).

Chiếm gần như toàn bộ khối đá vôi Tràng An, với tuổi địa chất hơn 250 triệu năm, một khu vực hòa lẫn giữa thiên nhiên và văn hóa, Quần thể danh thắng Tràng An là vùng bán sơn địa có hướng phát triển chung Tây bắc – Đông Nam, thấp dần về phía Nam và Đông Nam. Đan xen trong các dải đá vôi Tràng An là hệ thống đa dạng các thung lũng, hố sụt các-xtơ cùng phương hoặc vòng cung, vách dựng đứng, đáy khá bằng phẳng ở các độ cao khác nhau. Nhiều thung lũng, hố sụt như ở đền Trần – Tràng An, Trường Yên, Bái Đính,… đã phát triển đến tận cơ sở xâm thực địa phương, trở thành các trũng các-xtơ đầm lầy, thông với nhau bởi mạng lưới thủy văn khá phát triển với nhiều hang động xuyên thủy. Thảm thực vật nguyên sinh phát triển rậm rạp trên đá vôi, trong đó, đáng kể nhất là rừng đặc dụng Hoa Lư ở phía Tây và Tây Nam.

Hòa quyện với cấu trúc và vẻ đẹp của cảnh quan các-xtơ là thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh bao trùm khắp cảnh quan, quanh năm có sương sớm, mây chiều, khí núi. Những ngôi chùa, đền, phủ tựa mình bên vách đá với mái ngói cổ kính, rêu phong, thâm trầm tạo ra một yếu tố văn hóa tâm linh, chứa đựng những giá trị bản địa đồng điệu với cảnh quan. Chính những rặng núi cổ kính, các hang động bí ẩn và nhiều địa điểm linh thiêng của Tràng An đã truyền cảm hứng cho con người qua nhiều thế hệ. Tràng An – một hình mẫu nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường qua thời gian ở khu vực Ðông – Nam Á trải qua hơn 30.000 năm phát triển, là nơi có giá trị lịch sử và văn hóa vô giá, kho thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của loài người; là một trong số ít các địa điểm có giá trị ở Ðông – Nam Á giữ được các đặc điểm ban đầu mà không bị ảnh hưởng lớn bởi con người và các tác nhân khác.

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới với 03 tiêu chí sau:

– Tiêu chí (v) về văn hóa: Quần thể danh thắng Tràng An là một thí dụ nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường ở khu vực Đông Nam Á trải qua hơn 30.000 năm lịch sử phát triển của con người từ Hậu kỳ Pleistocene đến Holocene. Các cuộc nghiên cứu khảo cổ học và việc phục dựng lại môi trường cổ đã hé lộ chuỗi phát triển văn hóa và hoạt động của người cổ trong mối quan hệ chặt chẽ với tiến hóa địa chất gần đây của khối các-xtơ đá vôi, làm biến chuyển mạnh mẽ giữa các môi trường lục địa, đảo và bờ biển. Chính vì vậy, Tràng An thể hiện rõ là một kho thông tin nguyên vẹn về thích ứng của con người với các điều kiện biến đổi môi trường trải qua một số những biến đổi về địa lý và khí hậu khắc nghiệt nhất trong lịch sử gần đây của Trái đất, đặc biệt là những biến đổi diễn ra vào cuối và ngay sau thời kỳ băng hà cuối cùng. Tràng An là nơi chứa đựng các thông tin về sự tương tác giữa con người và môi trường qua thời gian, và là một trong số ít các địa điểm có giá trị ở Đông Nam Á giữ được các đặc điểm ban đầu và không bị ảnh hưởng lớn bởi con người, động vật và các tác nhân khác.

– Tiêu chí (vii) về vẻ đẹp thẩm mỹ: Cảnh quan tháp các-xtơ của Tràng An nằm trong số những khu vực đẹp mê hồn thuộc kiểu này trên Trái đất. Ngự trị cảnh quan là một dãy các tháp đá vôi và núi hình nón bao bọc bởi các vách cao 200m. Chúng nối liền nhau ở nhiều chỗ bởi các sống núi sắc cạnh bao trọn các hố sụt sâu và các thung lũng ngập nước, nối với nhau bởi vô số các dòng suối và hang động ngầm, một vài nơi có thể đi lại bằng thuyền. Du khách, đi trên những con thuyền truyền thống, có thể trải nghiệm sự gắn kết gần gũi với môi trường và tận hưởng cảm giác thanh bình và an toàn. Những ngọn núi hùng vĩ, hang động huyền bí, sông nước thanh tĩnh và nhiều đình chùa linh thiêng của Tràng An đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ đến với mảnh đất này. Đây là một nơi mà thiên nhiên và văn hóa không thể tách biệt, nơi mà văn hóa chứa đựng sự kỳ diệu, bí ẩn và hùng vĩ của thế giới tự nhiên và đã được tự nhiên cải biến.

– Tiêu chí (viii) về địa chất-địa mạo: Quần thể danh thắng Tràng An nổi bật trong số các cảnh quan tháp các-xtơ đá vôi của thế giới và không có gì sánh bằng trên phạm vi toàn cầu, minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa các-xtơ trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm. Tràng An nổi bật toàn cầu một cách rõ ràng và tổng quát về đặc trưng cảnh quan các-xtơ đá vôi nhiệt đới ẩm, bao gồm các nón các-xtơ, tháp các-xtơ, các hố sụt, các bồn địa, ngấn đầm lầy, hang ngập, sông ngầm và các hang động với các trầm tích trong đó. Có ý nghĩa khoa học lớn là sự hiện diện trong cùng một cảnh quan các dạng chuyển tiếp giữa các-xtơ chóp nón, với các nón liên kết với nhau qua các sống núi sắc mảnh, và các-xtơ tháp đứng rời rạc trên cánh đồng bóc mòn phủ lớp phù sa. Không có nơi nào trên thế giới cho thấy sự chuyển tiếp cảnh quan các-xtơ này tốt hơn và rõ hơn Tràng An. Câu chuyện tiến hóa các-xtơ, đã được kể khá kỹ ở Tràng An, thậm chí còn mang ý nghĩa khoa học lớn hơn với các bằng chứng dao động mực nước biển ở đây trong quá khứ. Trong thời kỳ Pleistocene và Holocene, các rìa của sơn khối Tràng An bị biển xâm lấn và biến cải nhiều lần. Tràng An được coi là có tầm quan trọng toàn cầu trong việc minh họa sự tương tác của quá trình tiến hóa các-xtơ với những dao động mực nước biển và mực nước ngầm có liên quan.

Để bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực của khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới này, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, bảo vệ di sản trước những tác động ảnh hưởng đã được xác định trong Kế hoạch quản lý, cũng như khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và Quy chế bảo vệ Quần thể danh thắng Tràng An, làm cơ sở cho việc tu bổ, tôn tạo và phát triển bền vững di sản cho các thế hệ tương lai.

nguồn http://dsvh.gov.vn/di-san-van-hoa-va-thien-nhien-the-gioi-1754

Author

Marketing Du Lịch là kênh chuyên chia sẻ thông tin về phát triển du lịch và quảng bá du lịch trong và ngoài nước cũng như cách bán sản phẩm trên các trang B2B, B2C ... như các OTA nước ngoài Booking, Agoda, airbnb, Traveloka , OTA Việt Nam như Mytour, Sendo, vntrip ... hay các thông tin về làm Media , seo du lịch

Write A Comment