Khách du lịch sẽ đi ít hơn nhưng sẽ lựa chọn những dịch vụ chất lượng hơn và du lịch nội địa sẽ là lối thoát cho ngành du lịch Việt Nam trong thời gian phục hồi.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập quốc dân của nước ta. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng nổ tại Việt Nam cũng như toàn thế giới, ngành du lịch đã chịu tác động đầu tiên và sẽ là lĩnh vực cuối cùng phục hồi từ cuộc đại suy thoái kinh tế này. Vậy kịch bản nào được dự đoán cho du lịch sau khi lệnh phong tỏa được dần gỡ bỏ?

Các chuyên gia tư vấn của TR2 International – một công ty tư vấn chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch cho các chủ đầu tư tại Việt Nam dự đoán: khách du lịch sẽ đi ít hơn nhưng sẽ lựa chọn những dịch vụ chất lượng hơn và du lịch nội địa sẽ là lối thoát cho ngành du lịch Việt Nam trong thời gian phục hồi.

Du lịch nội địa – khách hàng ở ngay bên trong nhà

Covid-19 là một “cú sốc” chưa từng có trong lịch sử, nó tạo ra những sự kiện tưởng chừng như không thể và sau đó đưa ra khái niệm “bình thường theo một cách mới” cho những hành vi và thói quen tiêu dùng của cả cộng đồng trên toàn thế giới một cách đầy bất ngờ.

Chiến dịch kiểm soát đại dịch ở Việt Nam diễn ra khá tốt tạo nên một môi trường an toàn đáng mơ ước trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn ra phức tạp đặc biệt ở các nước châu Âu, Mỹ, và ngay cả những thị trường khách chiếm tỷ trọng lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặc dù vậy, sau đại dịch Covid-19, máy bay, tàu viễn du là những phương tiện mà du khách sẽ cân nhắc và hầu như chỉ sử dụng khi cần thiết.

Quy trình cấp thị thực trở nên khắt khe hơn cũng sẽ là một trong những rào cản tô đậm hơn biên giới của những chuyến du lịch.

Xu hướng du lịch trong khoảng cách gần bằng phương tiện cá nhân sẽ thay thế cho những chuyến bay xuyên quốc gia, lục địa. Do đó, du lịch nội địa sẽ là xu hướng du lịch trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, với lượng xe ôtô lưu hành lên đến hàng triệu chiếc và sự phát triển của các tuyến đường cao tốc nối các vùng kinh tế – du lịch trọng điểm trong những năm qua là điều kiện hết sức thuận lợi để đưa du khách từ những vùng trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội và lân cận đến những trung tâm du lịch như Hạ Long, Sapa, Ninh Bình ở miền Bắc, Cố đô Huế, Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn, Cam Ranh ở miền Trung, Phan Thiết, Đà Lạt, Mũi Né, Vũng Tàu ở khu vực phía Nam.

Khách du lịch sẽ đi ít hơn nhưng sẽ chọn những dịch vụ chất lượng hơn

Khoa học đã chứng minh những chuyến du lịch giúp giải phóng Edorphins giúp giải tỏa căng thẳng, nâng cao sức khỏe thần kinh và tăng hưng phấn. Do đó, nhu cầu về du lịch sẽ không bao giờ bị triệt tiêu trong mọi hoàn cảnh. Mặc dù vậy, lựa chọn cho những chuyến du lịch sẽ trở nên kỹ lưỡng và khắt khe hơn rất nhiều hậu Covid-19.

An toàn cho sức khỏe là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Sau những pha “mắc kẹt” và những nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh trong quá trình du lịch là một trong những nỗi ám ảnh khiến du khách sẽ lựa chọn những điểm đến có “chỉ số” an toàn cao nhất.

Sau an toàn, chi phí tốt nhất – giá trị cao nhất sẽ là những điểm cân nhắc thứ hai khi khủng hoảng kinh tế sẽ tạo ra thói quen thắt chặt chi tiêu của du khách. Mỗi chuyến đi sẽ được tìm kiếm và cân nhắc một cách kỹ lưỡng để chọn ra điểm đến tốt nhất thay vì nơi họ thích nhất. Đây là lúc, các cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành cần tính toán để đưa ra những gói dịch vụ tối ưu cho khách hàng thay vì những gói dịch vụ phổ thông như trước đây.

Các chuyến đi sẽ ngắn ngày hơn, hướng về các di sản văn hoá, thiên nhiên tránh những tụ điểm đông đúc. Đây là phản ứng dễ hiểu khi cả cộng đồng đã học được bài học quý báu về giãn cách xã hội từ đại dịch Covid-19. Như vậy, những tour du lịch tới các trung tâm vui chơi giải trí như các lễ hội, sự kiện, festival sẽ nhường chỗ cho xu hướng du lịch tham quan, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, văn hoá, con người.

Việt Nam là một đất nước có tài nguyên du lịch dồi dào khi sở hữu đến 3.260 km bờ biển với những bãi biển và vịnh biển được xếp trong top những bãi biển đẹp nhất hành tinh như Mỹ Khê, Nha Trang, Vịnh Hạ Long… Nhiều di sản văn hóa được Unesco công nhận và bảo tồn tại Việt Nam như khu Đền tháp Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Cố đô Huế… 54 dân tộc với sự đa dạng trong văn hoá, sinh hoạt của những cộng đồng dân tộc khác nhau. Cùng với đó, là một quốc gia có 96 triệu dân nên nhu cầu và khả năng chi tiêu cho du lịch từ nội địa là không hề nhỏ.

Từ xu hướng lựa chọn những chuyến đi sẽ kéo theo xu hướng điều chỉnh của các cơ sở lưu trú và các dịch vụ phụ trợ của ngành du lịch. Các chuyên gia tư vấn của TR2 International hoàn toàn lạc quan vào cơ hội phục hồi của ngành du lịch hậu đại dịch Covid-19.

Author

Marketing Du Lịch là kênh chuyên chia sẻ thông tin về phát triển du lịch và quảng bá du lịch trong và ngoài nước cũng như cách bán sản phẩm trên các trang B2B, B2C ... như các OTA nước ngoài Booking, Agoda, airbnb, Traveloka , OTA Việt Nam như Mytour, Sendo, vntrip ... hay các thông tin về làm Media , seo du lịch

Write A Comment