Rừng Trần Hưng Đạo là một khu rừng nguyên sinh, có diện tích 201,7 ha; là nơi diễn ra lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam; là di tích lịch sử có giá trị giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Cụm gồm 4 điểm di tích: Địa điểm thành lập Đội; Dãy lán nghỉ và bếp ăn; Mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt; Đỉnh Slam Cao.
Khu trung tâm Di tích
Tại sân trung tâm của di tích Rừng Trần Hưng Đạo, vị trí trung tâm trang trọng nhất là bức phù điêu 34 chiến sĩ trong buổi lễ thành lập. Bức phù điêu được xây dựng năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2004). Bức phù điêu được tạc bằng chất liệu đá xanh có chiều rộng 4,37m, chiều dài 7,90m; ghi lại thời khắc buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Phía trên cùng là hình đồ họa những tán cây rừng biểu trưng cho đại ngàn hùng vĩ che chở, bảo vệ đội quân cách mạng. Trung tâm bức phù điêu đặc tả hình tượng người chỉ huy làm nổi bật lên vị thế, tầm vóc vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người trực tiếp thành lập và chỉ huy Đội, Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tác giả đã đưa thêm hình tượng nhân dân các dân tộc để nói lên sự tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ, bảo vệ quân đội vũ trang cách mạng của nhân dân các dân tộc Cao Bằng.
Bức phù điêu là công trình mỹ thuật hoàng tráng, có giá trị như một tượng đài lưu niệm, biểu tượng cao quý, thiêng liêng về sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
Bên cạnh bức phù điêu là Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Đền được khởi công xây dựng năm 2014, công trình do Bộ Quốc phòng thực hiện nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đền thờ là nơi nhân dân cả nước và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang về tri ân, thắp nén tâm nhang, tỏ lòng thành kính trước anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Địa điểm thành lập Đội
Từ khu trung tâm đi tiếp theo con đường bê tông nhỏ dẫn đến một khu đất bằng là nơi ghi dấu sự kiện thành lập Đội. Tại địa điểm này hiện nay đã dựng một nhà bia trung tâm nhằm ghi dấu di tích và thể hiện lòng tôn kính của nhân dân đối với thế hệ đàn anh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhà bia trung tâm được xây dựng năm 1994, là một ngôi nhà bia giản dị nhưng uy nghi được dựng lên để ghi lại những chứng tích hào hùng xưa. Nhà bia được dựng theo kiểu 2 tầng 8 mái, có các cột trụ đỡ mái. Vị trí trung tâm đặt bia ghi dấu sự kiện, bia có 4 mặt. Bia đá màu nâu sẫm, chữ vàng khắc toàn văn bản Chỉ thị thành lập Đội của Lãnh tụ Hồ Chí Minh; 10 lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc trong lễ tuyên thệ (sau này trở thành lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam); Lễ thành lập và danh sách 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Dãy lán nghỉ và bếp ăn
Nằm cách nhà bia trung tâm khoảng 30m là dãy nhà nghỉ và bếp ăn của Đội được xây dựng năm 1994, mô phỏng lán trại cũ của Đội. Hai dãy nhà được xây theo kiểu nhà của người miền xuôi gồm 4 gian, 2 trái với chất liệu bê tông cốt thép. Bên trong dãy lán nghỉ có dựng mô phỏng lại dãy chõng tre, chạy xung quanh nhà, là nơi nghỉ ngơi của Đội. Đối diện lán nghỉ là dãy nhà bếp ăn của Đội. Tại đây, ngay sau buổi lễ thành lập, cả Đội đã tổ chức ăn bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần quyết tâm chịu đựng gian khổ của người chiến sĩ cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt
Đi tiếp từ khu lán nghỉ – bếp ăn theo con đường nhỏ xuống khoảng 50m là mỏ nước – nơi các chiến sĩ Đội lấy nước sinh hoạt hàng ngày; mỏ nước hiện nay đã được xây dựng lại. Tại đây, chúng ta thấy xung quanh vẫn còn những cây sấu mà năm xưa đồng chí Võ Nguyên Giáp và Đội đã dùng lá và quả để nấu ăn. Đối diện mỏ nước là cây sấu cổ thụ có chu vi 6m với tuổi thọ gần 300 tuổi, là nhân chứng của lịch sử đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam.
Xem thêm Du lịch Cao Bằng
Đỉnh Slam Cao
Từ nhà bia trung tâm leo 505 bậc là lên đến đỉnh Slam Cao – nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân trực tiếp lên quan sát, đưa ra các phương án đánh đồn Phai Khắt, trận đánh đầu tiên, thắng lợi đầu tiên của Đội ngày 25/12/1944.
Đỉnh Slam Cao là đỉnh cao nhất của núi Dền Sinh, từ đây có thể quan sát các hướng, nhìn về phía Tây Bắc thấy đồn Phai Khắt, làng Phai Khắt và núi Thẳm Khẩu, phía Đông Bắc nhìn thấy đồn Nà Ngần, phía Đông Nam là đồn Benle bên quốc lộ số 3B trên đường đến đèo Cao Bắc.
Trên đỉnh Slam Cao là vạt đất bằng phẳng rộng trên 500m2, hiện nay có đặt đài quan sát. Đài được xây dựng năm 2019 nhân dịp kỉ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019). Bên cạnh đài quan sát là tấm bia đá ghi dấu sự kiện. Đỉnh Slam Cao còn là khuôn viên dành cho du khách nghỉ chân để tận hưởng không khí trong lành và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh rừng nguyên sinh.
Hang Thẳm Khau
Hang Thẳm Khẩu nằm ở xóm Phai Khắt, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình. Từ trung tâm xóm Phai Khắt theo đường mòn đi bộ khoảng 500m là đến hang Thẳm Khẩu. Đây là một hang đá ở lưng chừng núi nằm về phía Tây Bắc làng Phai Khắt.
Hang Thẳm Khẩu sâu khoảng 03m, dài khoảng 12m, có thể trú được khoảng 40 người. Hang khô, thoáng, trong hang có nhiều mô đá nhỏ gồ ghề; địa điểm này rất bí mật, thuận lợi cho việc quan sát và nhận thông tin liên lạc về mọi hoạt động của bọn Pháp và tay sai trong làng và đồn Phai Khắt. Bên phải hang còn có một phiến đá to, bề mặt tương đối bằng phẳng, được sử dụng làm bàn để vẽ sơ đồ chuẩn bị đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần.
Trong giai đoạn 1941-1944, hang Thẳm Khẩu được sử dụng làm trạm liên lạc đưa cơm phục vụ cho các đồng chí hoạt động cách mạng, đặc biệt là nơi tập trung quân của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân vào chiều ngày 24/12/1944, để chuẩn bị đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần.
Đồn Phai Khắt
Đồn Phai Khắt nằm ở vị trí giữa làng Phai Khắt, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình; là nơi chứng kiến trận đầu ra quân của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ngày 25/12/1944. Đồn nguyên là nhà của đồng chí Nông Văn Lạc được xây dựng từ năm 1940, ngôi nhà có tường xây gạch to nhất làng, có diện tích 210m2. Từ đây có ba đường đi các ngả, về phía Nam đi Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn), về phía Đông Bắc đi Nà Ngần và một con đường độc đạo ra châu lỵ Nguyên Bình. Đầu năm 1944, để ngăn cản phong trào cách mạng do Việt Minh lãnh đạo, thực dân Pháp đã chiếm nhà của đồng chí Nông Văn Lạc để đóng quân. Xung quanh đồn, địch rào hàng rào bằng cây vầu cao hai mét, chỉ để hai cửa ra vào, một ở sau nhà, một vào thẳng đồn có đặt vọng gác. Vòng ngoài chúng bắt dân thay phiên nhau canh gác, còn vòng trong do lính của đồn trực tiếp canh gác. Quân số trong đồn lúc đó có 21 tên lính dõng và một tên đồn trưởng người Pháp.
Sau khi cân nhắc các yếu tố để đảm bảo chắc chắn giành thắng lợi, không bị tổn thất và thu được vũ khí đạn dược, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đưa ra kế hoạch đánh đồn Phai Khắt gồm các bước sau: Các đội viên của đội cải trang thành một toán lính dõng của châu đi tuần về ghé qua Đồn; sau khi lọt vào đồn sẽ chiếm kho súng buộc địch đầu hàng; tên nào ngoan cố chống lại sẽ bị tiêu diệt. Và để thuận tiện cho việc giả lính tuần của châu để đột nhập vào đồn, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã làm giấy tuần giả và con dấu giả cho Đội.
Trước trận đánh, Ban chỉ huy Đội đã cử bé Hồng (tức Nông Văn Xương), mới 12 tuổi, là người trong làng, hàng ngày đem quà và rượu vào cho tên quan Tây, lợi dụng lúc trò chuyện, xem kỹ các vị trí kho đạn, nơi để súng, lương thực, nơi ăn ngủ, canh gác, giờ giấc sinh hoạt và bố trí của địch ở trong đồn; bé Hồng đã báo cáo tỉ mỉ cho Ban chỉ huy Đội. Hôm Đội tập kích đồn, tên đồn trưởng Simônô đã lên châu lỵ Nguyên Bình dự lễ Nôen.
Chiều ngày 24/12/1944, toàn Đội từ chỗ đóng quân xuất phát đi đánh đồn. Đội tập kết trên một quả đồi nhỏ tại hang Thẳm Khẩu, sau xóm Phai Khắt, cách đồn 500m. Đây là địa điểm rất kín đáo, bí mật, thuận lợi cho việc quan sát và nhận thông tin liên lạc về mọi hoạt động của địch trong làng và đồn.
Đến 17h00 ngày 25/12/1944, từ nơi đóng quân, Đội bắt đầu xuất phát. Cả Đội cải trang thành lính dõng, đồng chí Thu Sơn (Nguyễn Văn Càng – Tiểu đội trưởng) mặc đồ kaki đóng giả đội xếp cầm khẩu tiểu liên Mỹ đi đầu, đồng chí Võ Nguyên Giáp mặc bộ kaki đóng giả cai đội.
Cả Đội chia làm hai cánh quân tiến vào bản, đến bốt gác, đồng chí Thu Sơn chìa tờ giấy có đóng dấu đỏ cho tên lính gác, rồi tiến thẳng vào đồn. Trong khi đó, tiểu đội 1 theo sau tiếp cận khu để súng, tiểu đội 2 tiến vào trong đồn triển khai bao vây, tuyên bố là quân cách mạng đến chiếm đồn, ai chống cự sẽ bị trừng trị, tất cả số lính có mặt đều phải nghe theo. Trong lúc đó, người của tổ canh gác cách đồn 3km báo tin, tên đồn trưởng Simônô đang đi ngựa trở về. Theo kế hoạch, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy Đội quyết định bắt sống, nhưng khi tên đồn trưởng vừa vào tới sân, đồng chí Luận (tức Võ Văn Dảnh) đã nổ súng bắn tên đồn trưởng, đồng chí Lương Văn Ích bắn chết con ngựa. Trận đấu diễn ra trong vòng 30 phút, ta thu được 17 khẩu súng, một ít đạn, diệt tên đồn trưởng, bắt 17 tên.
Toàn Đội thu dọn chiến trường. Ban chỉ huy Đội giao cho đồng chí Nông Văn Lạc cùng cán bộ cơ sở và nhân dân Phai Khắt chuẩn bị đối phó với địch theo kế hoạch. Trước khi rút, ta để tại trước cửa đồn một mảnh giấy viết bằng chữ Pháp “Chúng tôi đã cùng Việt Minh đi đánh Nhật rồi”. Sau đó, toàn Đội lại cấp tốc hành quân đi đánh đồn Nà Ngần theo kế hoạch.
Đồn Phai Khắt là nơi diễn ra trận đánh đầu tiên, chiến thắng đầu tiên của Đội dưới sự tổ chức chỉ đạo của Đảng. Chiến thắng đồn Phai Khắt đã mở màn cho truyền thống “trăm trận trăm thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1994, ngôi nhà được sử dụng làm nhà trưng bày chiến thắng Đồn Phai Khắt. Năm 2014, một số hiện vật trưng bày tại đồn Phai Khắt được đưa lên trưng bày tại Nhà trưng bày (bổ sung) của Khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo. Năm 2019, được bổ sung trưng bày một số hiện vật để phục dựng lại không gian sinh hoạt của tên đồn trưởng và lính dõng trong đồn Phai Khắt.
Hiện nay, bốn phía xung quanh đồn được dựng lại hàng rào bảo vệ, phía trong khuôn viên được trồng cây cảnh và một số cây ăn quả, phía sau là trạm gác bảo vệ đồn cũng được dựng mô phỏng lại.
Đồn Nà Ngần
Đồn Nà Ngần thuộc xã Cẩm Lý, nay là xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình; cách đồn Phai Khắt khoảng 20km. Đồn Nà Ngần nơi ghi dấu trận đánh thứ 2 giành thắng lợi của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ngày 26/12/1944. Đồn nằm trên một đồi cao, địa thế hiểm trở, từ ngoài vào phải qua mấy thung lũng. Địch chọn nhà ông Nông Văn Pảo (tức Phó lý Pảo), biến thành một đồn lính.
Nhà của Phó lý Pảo là một ngôi nhà sàn 3 gian kiên cố nhất trong bản, có mấy lớp hàng rào vây kín xung quanh. Đồn Nà Ngần có 22 lính khố đỏ, do hai tên sĩ quan người Pháp chỉ huy. Hôm Đội ta đánh đồn, hai tên sĩ quan Pháp lên tỉnh và giao cho tên đội Đường chỉ huy.
7h00 sáng ngày 26/12/1944, toàn Đội cải trang như một đội lính dõng đi bắt cộng sản. Cả đội nhanh chóng tiến vào đồn, trận đánh diễn ra trong vòng 15 phút, ta tiêu diệt 05 tên địch, bắt sống 17 tên, thu 27 khẩu súng và nhiều đạn dược. Toàn Đội nhanh chóng thu gom súng đạn, tài liệu và phát truyền đơn cho nhân dân tuyên truyền và thả số lính khố đỏ về địa phương.
Sau khi ta chiếm đồn, vài tháng sau, ông Phó lý Pảo đã chuyển dỡ hẳn ngôi nhà này sang một quả đồi khác. Hiện nay, ngôi nhà cũ không còn, tại địa điểm này đã dựng nhà bia ghi dấu chiến công oanh liệt của Đội.
Di tích Vạ Phá
Di tích Vạ Phá thuộc xóm Bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình. Đây là một thung lũng rộng tương đối bằng phẳng ngay chân đồi Slam Khẩu, phía trước có thể nhìn thấy cánh đồng Bản Um và đường vào Khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo, phía sau là đồi
Slam Khẩu, đường xuống xã Thượng Ân (Ngân Sơn, Bắc Kạn). Là nơi kín đáo, xa dân, với vị trí “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Tại đây, vào tháng 2/1944, Tổng bộ Việt Minh Cao Bằng đã mở lớp huấn luyện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho toàn tỉnh do các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng phụ trách. Lớp huấn luyện quân sự là bước chuẩn bị về lực lượng, góp phần tích cực vào việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Hiện nay, Vạ Phá còn dấu tích lán trại của lớp học quân sự có diện tích khoảng 150m2, chiều dài khoảng 30m, chiều rộng khoảng 5m.